Cùng với sự phát triển, trưởng thành của cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của dân chủ và chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở, tinh thần ấy được thể hiện bằng các văn bản pháp quy, nghị quyết, quyết định của Đảng, Chính phủ và các tổ chức Chính trị xã hội. Từ thực tiễn
Cùng với sự phát triển, trưởng thành của cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của dân chủ và chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở, tinh thần ấy được thể hiện bằng các văn bản pháp quy, nghị quyết, quyết định của Đảng, Chính phủ và các tổ chức Chính trị xã hội. Từ thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: vấn đề dân chủ trước tiên và trọng yếu là xuất phát từ cơ sở, bởi cơ sở là nền tảng xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh. Ngày nay, dân chủ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chính trị hay pháp luật, mà thể hiện ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với tập thể, với Nhà nước, với các tổ chức, thiết chế xã hội. Để những giá trị của dân chủ trở thành động lực cho sự phát triển, khái niệm dân chủ cần được thể chế hóa thành những quy định đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Dân chủ cơ sở là vị thế của dân ở cơ sở, đang trực tiếp làm ra của cải vật chất và tinh thần đảm bảo sự tồn tại của cơ sở, góp phần phát triển xã hội. Vì vậy, trong doanh nghiệp thực hiện dân chủ chính là bảo đảm, nâng cao vị thế, phát huy cao độ quyền làm chủ trực tiếp của người lao động, làm nền tảng và động lực trực tiếp phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát triển bền vững cần có sự kết hợp giữa 3 yếu tố quan trọng: con người - quy trình - công nghệ, trong đó yếu tố con người đóng vai trò then chốt. Để người lao động tự giác làm việc, chủ động cống hiến, sáng tạo cần phải có môi trường dân chủ, tôn trọng, thân thiện. Khi người lao động được phát huy quyền làm chủ, được quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, họ sẽ yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Bởi vậy việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp được coi là tiền đề quan trọng và là chìa khóa thành công cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Người lao động thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở là được thực hiện các quyền:
- Quyền được bàn bạc, tham gia đóng góp ý kiến.
- Quyền được biết, được thông tin.
- Quyền kiểm tra, giám sát ở cơ sở.
Thực hiện dân chủ trong hoạt động doanh nghiệp là điều kiện hết sức quan trọng để người lao động phát huy tính tích cực, tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, cần lưu ý thực hiện dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị phải gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của người đứng đầu và các tổ chức đoàn thể quần chúng.
Trong những năm qua, Ban Chấp hành TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Kết luận 65-KL/TW ngày 4/2/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, Kết luận 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Căn cứ những văn bản chỉ đạo của Đảng, Đảng ủy các cấp đã triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại cấp mình, đơn vị mình phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.
Theo số liệu của tổ chức Công đoàn năm 2018 việc thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt nhiều kết quả tốt: có 98% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, gần 70% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, trên 22.000 doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ, có trên 3.000 cuộc đối thoại đột xuất góp phần giảm các vụ ngừng việc tập thể. Số cuộc đình công, ngừng việc tập thể có xu hướng giảm trong những năm gần đây (năm 2019 cả nước có 120 cuộc đình công so giảm hơn 50% với năm 2015 xảy ra 245 cuộc).
Quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp là những quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động với các nội dung người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát và các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Việc triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị làm cho cán bộ, người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, có ý thức rèn luyện phấn đấu trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao; có lối sống lành mạnh và trung thực; phát huy tinh thần dân chủ trong hoạt động, công tác, tích cực tham gia ý kiến về những việc được tham gia. Thực hiện quy chế dân chủ làm cho mỗi cán bộ, người lao động không ngừng rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và điều chỉnh lề lối làm việc theo hướng công khai, dân chủ, tạo sự đồng thuận trong doanh nghiệp, đơn vị, góp phần phòng ngừa và hạn chế khiếu kiện, khiếu nại; ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, giúp doanh nghiệp, đơn vị ổn định, phát triển.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng và lợi ích của quy chế dân chủ cơ sở, trong những năm qua Đảng ủy Tổng công ty Máy thiết bị công nghiệp- CTCP (gọi tắt là MIE) đã chú trọng chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với công đoàn và các tổ chức chính trị trong Tổng công ty, xây dựng và triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đạt nhiều kết quả. Đặc biệt ngay sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, Đảng bộ MIE xác định tập trung dân chủ và thực hiện dân chủ ở cơ sở là một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của Đảng bộ MIE cũng như các chi bộ cơ sở trực thuộc. Tại Tổng công ty nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện qua phân cấp quản lý, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ. Việc phân cấp này giúp cho công tác lãnh đạo, điều hành được thực hiện nhanh, gọn, chính xác, hạn chế chồng chéo, lỗ hổng trong công tác quản lý, hạn chế được hiện tượng “thành tích thì của cá nhân, khuyết điểm thì của tập thể”. Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn thể hiện qua việc xây dựng các quy định, quy chế của Tổng công ty: Quy chế phối hợp giữa cấp ủy Đảng và chuyên môn đồng cấp; Quy chế phối hợp giữa chuyên môn với tổ chức công đoàn, Quy chế đối thoại định kỳ; các quy chế về quản lý cán bộ, tài chính, quản trị doanh nghiệp, đầu tư, tài chính,… Hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ MIE đã tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo Tổng công ty triển khai các hoạt động và là cầu nối với các tổ chức chính trị xã hội trong Tổng công ty trong việc thực hiện quy chế dân chủ hiệu quả.
Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ không chỉ ở Cơ quan Tổng công ty mà còn ở tất cả các công ty trực thuộc, công ty liên kết trong Tổng công ty. 100% đơn vị có Quy chế dân chủ, 100% đơn vị tổ chức hội nghị người lao động định kỳ hàng năm, 100% đơn vị có Công đoàn, không có đơn thư khiếu kiện, ngừng việc tập thể, đình công trong toàn Tổng công ty nhiều năm qua. Người lao động thông qua tổ chức Công đoàn hoặc có thể trực tiếp gặp gỡ đối thoại với Đảng ủy, lãnh đạo, Công đoàn tất cả vướng mắc, bất cập về việc làm, thu nhập, quyền lợi,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở MIE vẫn còn một số hạn chế: Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa, lợi ích của việc thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn hạn chế, chưa làm thay đổi được nhận thức của một vài lãnh đạo đơn vị về lợi ích của thực hiện quy chế dân chủ mang lại; Việc bổ sung, sửa đổi các văn bản về quy chế dân chủ còn chậm; Công tác tổng kết, đánh giá và tôn vinh những cá nhân, tập thể làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn ít; Hội nghị người lao động tại một vài đơn vị còn mang tính hình thức, chưa phát huy được quyền tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp của người lao động; vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện việc công khai đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến người lao động; Vẫn còn tình trạng giao việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cho công đoàn cơ sở, mặc nhiên coi đó là việc của tổ chức công đoàn, thiếu kiểm tra giám sát, thậm chí buông lỏng; Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn hạn chế.
Khắc phục tình trạng yếu kém, hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhằm xây dựng MIE ngày một phát triển bền vững, Đảng bộ MIE xác định nhiệm kỳ 2020-2025 cần tập trung vào những vấn đề sau:
Một là: Đảng ủy các cấp phải xác định thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là nội dung quan trọng trong hoạt động của tổ chức Đảng ở cơ sở. Nội dung này phải được đưa vào nghị quyết đại hội nhiệm kỳ, xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm, có đánh giá sơ kết tổng kết. Cấp ủy Đảng phải là cơ quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở tại đơn vị cơ sở.
Hai là: Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở để tất cả mọi người từ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ đến người lao động hiểu rõ quyền và trách nhiệm của cá nhân, tập thể với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Phổ biến các văn bản pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ như: Chỉ thị 30-CT/TW, Kết luận 65-KL/TW, Kết luận 120-KL/TW, Chỉ thị 05-CT/TW của Đảng, Nghị định 149/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Hướng dẫn 1360/HD-TLĐ. Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Ba là: Chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Nội dung quy chế dân chủ phải thể hiện đầy đủ quyền của người lao động được biết, được bàn, được quyết định, được kiểm tra giám sát. Ngoài việc thực hiện các hình thức dân chủ thông qua hội nghị người lao động hàng năm, đối thoại định kỳ, đột xuất theo quy định, cần mở rộng các hình thức thực hiện dân chủ khác như: hộp thư góp ý, hộp thư điện tử, giao lưu, thi đua, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu với tổ chức, cá nhân trong doanh nghiệp, đơn vị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thường xuyên tiến hành sửa đổi, bổ sung ban hành lại quy chế dân chủ cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị và các quy định của pháp luật
Bốn là: Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn với xây dựng thương hiệu, quảng bá doanh nghiệp, đơn vị. Xây dựng quy chế dân chủ đi đôi với xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động trong doanh nghiệp gắn bó, tự hào coi doanh nghiệp, đơn vị là ngôi nhà thứ hai của mình, có ý thức chăm lo, xây dựng đơn vị phát triển bền vững.
Năm là: Công khai, minh bạch quy chế, quy định, thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, đơn vị. Mọi thành viên đều hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong quá trình làm việc. Dân chủ phải gắn với kỷ cương, trật tự, quyền hạn gắn với trách nhiệm, lợi ích gắn với nghĩa vụ, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ để phá hoại, gây rối, vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, đơn vị.
Sáu là: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở giúp nâng cao vai trò trách nhiệm trong quản lý điều hành, nâng cao ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định 101-QĐ/TW. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng lãnh đạo, cán bộ chủ chốt thực hiện các quy định chuẩn mực tại doanh nghiệp, đơn vị. Người đứng đầu phải nêu gương thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, lắng nghe ý kiến phản ánh từ người lao động, cán bộ cấp dưới, nghiêm túc thực hiện lịch tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kiến nghị của người lao động và các tổ chức chính trị trong doanh nghiệp, đơn vị.
Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 30 và Kết luận 120 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả... Phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, sống có văn hoá, nghĩa tình, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, tạo động lực cho các phongtrào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia phát triển đất nước nói chung và từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng”. Đây cũng chính là nhiệm vụ của Đảng bộ MIE trong việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong thời gian tới tại doanh nghiệp, đơn vị mình.